Hoạt động công ty

Cho phép khai thác và chế biến “vàng trắng” ở Lâm Đồng

Tại hội thảo, ông Cao Minh Hòa, Tổng Giám đốc Cty CP Trung Thành cho biết, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng cao lanh rất lớn, ước lượng 250 triệu tấn. Việt Nam cũng nằm trong top 10 của thế giới về trữ lượng cao lanh. Thế nhưng, nghịch lý là hằng năm, nước ta vẫn phải bỏ ra hàng trăm triệu đô để mua nguyên liệu cao lanh cho công nghiệp sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều loại khoáng sản như vàng, cao lanh, thiếc, alumin… Mỏ cao lanh tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lộc với trữ lượng khá lớn. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý cao lanh còn nhiều bất cập, vẫn còn nhiều Cty khai thác trái phép ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và thị trường cao lanh trên cả nước khi chất lượng không đảm bảo.

Bên cạnh đó, ngành chế biến cao lanh và nhất là chế biến sâu chưa phát triển. Cao lanh sau khi khai thác thường được vận chuyển về các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ để chế biến. Đặc biệt là TPHCM và Bình Dương. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề giao thông do trữ lượng cao lanh vận chuyển khá lớn. Do đó, tỉnh Lâm Đồng mong muốn phát triển kỹ thuật chế biến cao lanh sâu từ nguyên liệu thô để mang lại giá trị cao hơn cho địa phương. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, khai thác và chế biến cao lanh ở Lâm Đồng.

Công ty CP Trung Thành là một Cty chuyên về khai thác chế biến khoáng sản đã được cấp phép để khai thác và chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước. Sản phẩm bao gồm me ta cao lanh, cao lanh để sản xuất gốm sứ cao cấp, sản xuất sứ thủy tinh, gạch men… Tại Lâm Đồng, cơ sở khai thác và chế biến cao lanh của Cty CP Trung Thành nằm ở xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Cùng với việc cho phép khai thác, chế biến sâu cao lanh ở Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu Sành sứ - Thủy tinh công nghiệp đã công bố dự án sản xuất thử nghiệm chế biến sâu cao lanh cấp quốc gia. Dự án này thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm Quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025. Mục tiêu của dự án là tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả canh tranh, đáp ứng nhu cầu về số lượng và thời gian cung cấp tối ưu nhất.

KHƯƠNG QUỲNH - BÁO LAO ĐỘNG
prev_doitac next_doitac